Bình Dương có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp công nghệ cao

Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương có tốc độ phát triển kinh tế cao, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nguyên liệu trong nước.

Bình Dương đang là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao với số dự án, quy mô các dự án công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tăng dần theo thời gian.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có trên 34.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó có nhiều DN công nghiệp công nghệ cao như Công ty TNHH Fujikura Fiberoptics Việt Nam (FOV) – công ty con của Tập đoàn Fujikura (Nhật Bản), Công ty Điện tử Foster Việt Nam trực thuộc Tập đoàn Điện tử Foster (Nhật Bản)… Việc có nhiều DN, tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào Bình Dương cho thấy, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh đang đi đúng hướng.

Bình Dương đang là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, quá trình sản xuất công nghiệp của Bình Dương thời gian qua vẫn còn mang dáng dấp “công xưởng gia công”, chưa khai thác hết giá trị gia tăng của sản phẩm. Phát triển công nghiệp công nghệ cao là bước ngoặt để đưa Bình Dương phát triển công nghiệp lên một tầm cao mới.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, số khu công nghiệp công nghệ cao đang được tỉnh cũng như các DN quan tâm phát triển.

Tỉnh Bình Dương có kế hoạch xây dựng một Khu công nghiệp khoa học công nghệ (KCN KHCN). Theo quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020, KCN Lai Hưng tại huyện Bàu Bàng có diện tích 600ha sẽ được tỉnh Bình Dương dành để thu hút các DN khoa học công nghệ (KHCN) vào đầu tư. Qua đó hình thành nên một KCN riêng cho các DN trong lĩnh vực có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hiện nay, Bình Dương đang phối hợp với đối tác Hà Lan để nghiên cứu và triển khai những phần việc đầu tiên.

KCN KHCN tỉnh Bình Dương có vị trí khá thuận lợi khi nằm liền kề với 2 trục giao thông quan trọng kết nối với TP. Hồ Chí Minh là quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước – Tân Vạn. Ngoài ra, tuyến nhánh của đường Hồ Chí Minh cũng đi qua KCN này tạo ra sự kết nối dễ dàng với Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Các yếu tố kỹ thuật như nguồn điện ổn định, đường truyền internet tốc độ cao, các nguồn năng lượng tái tạo… cũng được Bình Dương chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của các DN vào KCN KHCN.

Để đạt hiệu quả thu hút đầu tư Bình Dương cũng xác định điều quan trọng để xây dựng KCN KHCN là phải có những chính sách tốt để khuyến khích DN đầu tư và sáng tạo, hình thành được một cộng đồng DN thông minh, tương tác, phối hợp được với nhau để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao.

Nhật Linh